Chiến tranh mạng, cuộc chiến của tương lai, cuộc chiến không khói súng, Thế chiến III
Chiến tranh thông tin hay chiến tranh mạng (tiếng Anh: Cyberwarfare) là việc áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao trong các mặt hoạt động chỉ huy - quản lý, tình báo, điều khiển, chiến tranh điện tử, kinh tế, tâm lý, xã hội,...; là một loại hình tác chiến phổ biến trong chiến tranh hiện đại; đó là tổng hợp những hoạt động và biện pháp nhằm tung tin gây rối loạn, tác động vào các cơ cấu ra quyết định; nhằm làm cho đối phương có các hành động sai lầm hay có các quyết định vô hại có lợi cho ta, đồng thời ngăn cản hoạt động thu thập, xử lý thông tin của đối phương.
Mục đích của chiến tranh thông tin là kiểm soát, điều khiển, tác động lên các quyết định và làm suy giảm hoặc phá huỷ các hệ thống thông tin của đối phương trong khi bảo vệ các hệ thống của mình và đồng minh chống lại những hành động như vậy.
Mục tiêu tấn công của chiến tranh thông tin là các cơ sở hạ tầng thông tin (quân sự, tài chính, ngân hàng, mạng máy tính quốc gia,...). Phần mềm Virus có thể làm cho hệ thống vũ khí của đối phương bị mất điều khiển, và cũng có thể phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế của quốc gia, làm cho nền kinh tế rối loạn, hay làm tắc nghẽn mạng thông tin. Hacker là thành phần nguy hiểm nhất trong công nghệ thông tin. Hacker tập trung vào việc đánh cắp các bí mật quân sự; sử dụng virus tấn công các hệ thống máy tính làm cho hệ thống này bị tê liệt không thể đưa ra các quyết định đúng.
Các hình thức của chiến tranh thông tin
Chiến tranh trong chỉ huy và điều khiển (command and control warfare C2W);
Chiến tranh tình báo (information-based warfare - IBW);
Chiến tranh điện tử (electronic warfare - EW);
Chiến tranh tâm lý (psychological warfare - PSYW);
Chiến tranh tin tặc hacker (hacker warfare);
Chiến tranh thông tin kinh tế (economic information warfare - EIW);
Chiến tranh điều khiển học (cyberwarfare).
Một số cuộc chiến tranh thông tin tiêu biểu
"Chiến tranh thông tin của Mỹ - từ Kosovo đến Nam Ossetia": trong cuộc chiến ở Nam Ossetia xảy ra năm 2008, ngoài cuộc đọ súng trên chiến trường, thế giới được chứng kiến một cuộc chiến tranh khác có phần còn quyết liệt hơn, gay cấn hơn giữa các bên - đó là cuộc "chiến tranh thông tin" giữa Mỹ và các nước phương Tây với Nga, mà ưu thế vượt trội không thuộc về Nga.
Chiến tranh mạng - nguy cơ về một cuộc Thế chiến III
Các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc… đang chuẩn bị cho cái gọi là thế chiến không gian mạng, cuộc chiến được ví như chiến tranh thế giới thứ 3 diễn ra trên mặt trận Internet.
Đầu tư cho lĩnh vực này đã tăng rất mạnh trong những năm qua. Nếu như năm 2013, Mỹ đổ 3,9 tỉ USD vào chiến tranh mạng thì năm 2014 tăng lên 4,7 tỉ USD và năm 2015 là 5,1 tỉ USD. Trong khi đó, dù không công bố ngân sách nhưng theo dự đoán Nga cũng chi ra hàng tỉ USD. Còn Trung Quốc, tất nhiên là theo truyền thống không công bố thông tin.
Lực lượng tác chiến không gian mạng
Nhiều quốc gia đã và đang thiết lập các đơn vị và lực lượng riêng biệt để chuẩn bị đối phó với tấn công mạng ở quy mô quốc gia. Trong số đó có:
Mỹ
Mỹ có Bộ chỉ huy mạng (Cybercom) trực thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) nhưng hiện chính quyền Obama đang cân nhắc tách Cybercom thành đơn vị độc lập với quyền hạn lớn hơn. Động thái này không nằm ngoài mục đích tăng cường khả năng đương đầu của Mỹ với chiến tranh mạng trong tương lai.
Và như vậy, NSA sẽ chủ yếu là cơ quan thu thập thông tin tình báo chiến lược còn Cybercom là bộ chỉ huy chiến tranh mạng. Ở mức sâu hơn, Cybercom sẽ phát triển theo hướng một Bộ chỉ huy tác chiến thống nhất (UCC), nơi chỉ huy và kiểm soát các lực lượng quân sự chỉ dựa trên địa lý và chức năng cụ thể.
Ngoài Cybercom, Mỹ còn nhiều lực lượng khác phụ trách an ninh mạng, trong đó có Bộ Tư lệnh Không gian mạng Quân đội Mỹ, Cục An ninh mạng thuộc Nhà Trắng, Lữ đoàn Tình báo Quân sự 780, và Lực lượng dự bị chiến tranh mạng (Bộ An ninh Nội địa).
Ngoài ra, Mỹ còn có "Sở chỉ huy chiến tranh mạng", "Nhóm kiểm soát dữ liệu đặc biệt", "Đơn vị công nghệ can thiệp dữ liệu", "Văn phòng các chiến dịch đặc biệt", "Nha tình báo tín hiệu"…
Nga
Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nước này đang sở hữu đội quân tác chiến mạng vô cùng hùng hậu. Ngoài đông đảo đội ngũ tin tặc do chính phủ hậu thuẫn, Nga đã thành lập những đội quân chiến binh mạng rất thiện chiến.
Điển hình trong số này là Đội quân mạng Chiều thứ 5 (Russia 5th-Dimension Cyber Army), thành lập năm 2007 với ngân sách hoạt động hàng năm ước tính lên đến 40 tỷ USD. Tiếp đến là Trung tâm An ninh Thông tin, hay còn gọi là Đơn vị Quân sự 64829, có nhiệm vụ giám sát và bảo vệ mạng lưới Internet của Nga.
Tiếp đến là Trung tâm giám sát truyền thông điện tử và Trung tâm quản trị An ninh Thông tin chịu trách nhiệm đánh chặn, giải mã và xử lý các thông tin liên lạc điện tử. Ngoài ra, năm 2013, Tổng thống Putin còn ký Sắc lệnh số 31 về việc thiết lập hệ thống phát hiện, cảnh báo và khắc phục hậu quả của các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin nước Nga.
Trung Quốc
Các tài liệu chính thức của Trung Quốc đã sớm xác định: "Không gian mạng là chiến trường thứ năm và là mặt trận tình báo mới". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận: "Việc sớm kiểm soát thông tin và các hệ thống thông tin của đối phương sẽ là chìa khoá của thành công trong mọi cuộc chiến".
"Chiến tranh mạng là một loại hành động của tin tặc, thông qua việc phá hủy hệ thống và mạng lưới máy tính của đối phương, khai thác những thông tin mật nhằm đạt được mục tiêu chính trị. Nó là một hình thức của chiến tranh thông tin, nhưng có khi lại được coi là tương đương với một cuộc chiến tranh thông thường".
"Chiến tranh mạng bao gồm giám sát mạng, tấn công mạng và bảo vệ mạng máy tính. Công cụ tác chiến bao gồm các loại mã độc, bom logic và chip vũ khí. Chiến tranh mạng được xem là một lực lượng đe dọa, tác động lớn và sâu rộng đến chính trị, kinh tế và quân sự của kẻ thù. Chiến tranh mạng cũng là một phương tiện tác chiến quan trọng được trang bị cho quân đội để đối kháng với kẻ thù có năng lực công nghệ cao."
Sách Trắng Quốc phòng 2010 của Trung Quốc ghi nhận sự quan tâm của quốc gia này đối với những nỗ lực nâng cao "khả năng chiến tranh mạng" với nước ngoài và nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh mạng đối với quốc phòng Trung Quốc: "Chiến tranh mạng có thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong ba lĩnh vực chủ chốt. Đầu tiên, cho phép thu thập dữ liệu phục vụ cho các cuộc tấn công tình báo và mạng máy tính. Thứ hai, hạn chế hành động của kẻ thù hoặc làm chậm phản ứng của họ. Thứ ba, đóng vai trò như một lực lượng cốt lõi quan trọng khi kết hợp với các cuộc tấn công động".
Hai tài liệu học thuyết quân sự "Khoa học Chiến lược" và "Khoa học Chiến dịch" cũng xác định: "Chiến tranh thông tin (IW) là không thể thiếu trong nỗ lực đạt được ưu thế thông tin, đồng thời là một phương tiện hiệu quả để chống lại kẻ thù mạnh hơn".
Cũng như Nga, Trung Quốc sử dụng lực lượng đông đảo các tin tặc do chính phủ hậu thuẫn, chưa kể đến hàng loạt các đơn vị chuyên biệt khác.
Điển hình là "Cục Đảm bảo Thông tin" thuộc Bộ Tổng Tham mưu PLA, đóng vai trò như một cơ quan chỉ huy tập trung cho chiến tranh thông tin và có trách nhiệm điều phối các hoạt động mạng cho Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tiếp theo là các đơn vị chuyên trách như Căn cứ An ninh Thông tin, Đội quân xanh PLA, Lực lượng đặc biệt Cyber Blue Team, Tổng cục 3; Đơn vị Tình báo mạng Axiom, Đội quân mạng "Hội Honker Trung Quốc", và Ban Chỉ đạo Trung ương về Thông tin và An ninh Internet.
Đơn vị 61398 và Đơn vị 61486, vốn nổi tiếng với các vụ tấn công và đột nhập vào hệ thống mạng an ninh của Mỹ trực thuộc Tổng cục 3 - bộ phận chuyên phụ trách các vấn đề về gián điệp không gian mạng và tình báo các tín hiệu.
Các quốc gia khác:
Nhận định về Chiến tranh mạng, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho rằng: "những 'chiến dịch quân sự ảo' này có thể gây ra hậu quả nặng nề cả về mặt dân sự lẫn quân sự".
Cùng quan điểm đó, hãng bảo mật Stonesoft (Phần Lan) nhận định trên tờ Le Monde: "Các cuộc tấn công mạng sẽ là một phần của những cuộc chiến tranh trong tương lai".
Sách trắng Quốc phòng Pháp công bố năm 2013 đã dành một phần quan trọng để đề cập đến các cuộc tấn công mạng như sau: "Các vụ xâm nhập vào hệ thống máy tính của các cơ quan xung yếu của chính phủ đang diễn ra hằng ngày. Do đó, Pháp sẽ nỗ lực tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện, xác định nguồn gốc các vụ tấn công và nếu cần sẽ phản công thích đáng".
Tóm lại, hiện các nước vẫn chưa thống nhất một khái niệm chính thức về "chiến tranh mạng" vì mỗi quốc gia có cách hiểu khác nhau đối với chiến tranh mạng. Tuy nhiên nhìn tổng thể, khái niệm chiến tranh mạng có thể được hiểu như sau:
Chiến tranh mạng là hành động một quốc gia tấn công xâm nhập vào hệ thống máy tính của một quốc gia khác nhằm mục đích phá hủy các hệ thống và mạng lưới máy tính xung yếu (như các hệ thống máy tính trong lĩnh vực tài chính, năng lượng, y tế, quân sự) của một quốc gia; khai thác những thông tin mật, bí mật quốc gia nhằm phục vụ cho mục tiêu phá hoại hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, tác động đến tâm lý của người dân nhằm gây ra bất ổn trong xã hội và nhà nước.
Tại Việt Nam, "chiến tranh mạng" vẫn còn là một khái niệm mới. Tuy nhiên, nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng đối với nước ta có thể xảy ra do các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những thành tựu công nghệ thông tin để chống phá Việt Nam.
Chiến tranh mạng diễn ra thế nào?
Cho tới nay, người ta vẫn chưa biết chiến tranh mạng là như thế nào vì đơn giản chúng chưa từng xảy ra. Kể cả những cường quốc như Mỹ và Nga có mô phỏng thế nào đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là lý thuyết. Giữa lý thuyết và thực tiễn không phải lúc nào cũng khớp với nhau.
Nếu như các nguyên tắc tiến hành chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, kể cả vũ khí hạt nhân, người ta có thể hiểu và tính toán được tương đối thì với chiến tranh mạng, mọi thứ vẫn còn mù tịt. Trong khi đó, những hậu quả chiến sự trên không gian mạng đang hiện hữu rất rõ.
Trong báo cáo phân tích mang tên Ghost Fleet (Binh chủng Ma), hai tác giả Singer và August Cole đã mô tả viễn cảnh xung đột chiến tranh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, trong đó chiến tranh mạng và chiến tranh điện tử đóng vai trò chính.
Ghost Fleet đang là sách gối đầu giường của nhiều quan chức quân đội lớn hiện nay. Trong đó, tác giả nhấn mạnh tới việc nếu thua trên không gian mạng, đối phương sẽ dễ dàng thất bại trên các mặt trận đường bộ, đường biển và đường không.
Chỉ có 4 khả năng mà một quốc gia có thể thực hiện trên không gian mạng, đó là: thu thập, đánh cắp, cô lập và thay đổi thông tin. Thực tế, việc này đang diễn ra nhưng chưa lớn ở quy mô có thể coi là chiến tranh mạng.
Các cuộc xung đột không gian mạng trong tương lai sẽ là dạng thức kết hợp như vậy. Chẳng hạn, Trung Quốc đã tìm cách thu thập và đánh cắp thông tin về các dự án quân sự tuyệt mật của Mỹ, trong đó có chiến đấu cơ F-35, để có thể phát triển phiên bản cạnh tranh tương tự.
Trong khi đó, khái niệm cô lập giống như việc ngăn chặn thông tin – hay nói cụ thể hơn chính là tấn công từ chối dịch vụ đánh sập website hoặc phá hủy các dịch vụ trên web.
Còn thay đổi thông tin giống như việc phát động tấn công mạng gây ra thiệt hại nghiêm trọng trên thực tế. Ví dụ sống động nhất chính là sâu Stuxnet, được Mỹ và Israel sử dụng để tấn công hệ thống hạt nhân của Iran. Stuxnet đã xóa sổ một lượng lớn máy ly tâm của Iran và theo như lời Hillary Clinton, nó đã làm chậm chương trình phát triển hạt nhân của Iran tới vài năm.
Cho tới nay, hành động chiến tranh mạng thực sự duy nhất được xác nhận là việc tung “virus quân sự” Stuxnet có khả năng phá hủy hạ tầng vào mạng của Iran. Điều thú vị là bản thân việc phát triển và sử dụng virus này được bà Hillary Clinton, khi đó là ngoại trưởng Mỹ, tiết lộ vào năm 2011.
Thế rồi 5 năm sau, chính Hillary Clinton lại trở thành nạn nhân trong vụ tấn công đột nhập vào hệ thống máy tính Đảng Dân chủ. Thủ phạm không ai khác là tin tặc Nga, được phỏng đoán là nhóm Fancy Bears thuộc Tổng cục Tình báo - Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga (GRU), và nhóm Cozy Bears thuộc Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB).
Nguy hiểm thật từ không gian ảo
Stuxnet có lẽ chỉ là quá khứ bởi chiến tranh mạng tương lai sẽ sử dụng những dạng thức "vũ khí" khác, và phần mềm độc hại (malware) chính là một trong số đó để phá hoại và ngăn chặn tất cả hệ thống mạng của đối phương.
Viễn cảnh này đang trở thành thực tế với Ukraine. Nhiều website chính phủ, các dịch vụ ngân hàng, tài chính từ nhà nước tới quân đội đang bị cô lập. Thông tin không thể chuyển đi, chỉ huy không thể ra lệnh cho các đơn vị đang hoạt động bên ngoài. Đơn giản là họ đã bị chặn đứng thông tin, hay nói cách khác họ đã bị bao vây.
Một câu chuyện khác rất đáng chú ý đó là vụ Israel đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Israel gọi chiến dịch ném bom bí mật này là "Operation Orchard" diễn ra năm 2007. Khi đó Israel đã hack vào hệ thống radar của Iran, chèn vào đó các thông tin sai lệnh khiến radar trông có vẻ hoạt động bình thường nhưng thực tế nó đã bị đối phương kiểm soát.
Trước đây, nếu muốn ném bom các mục tiêu khó ở sâu trong lãnh thổ đối phương, sẽ cần tới các tiêm kích đặc biệt để "dọn đường" cho máy bay ném bom. Nhưng Israel lại không làm như vậy. Thay vào đó, nước này sử dụng một dạng "cổng hậu" (backdoor) có tên "kill switch" để tấn công hệ thống radar đối phương, cho phép máy bay tiến vào lãnh thổ Iran như chỗ không người.
Chiến tranh mạng và giải pháp phòng, chống
(Trung tướng, PGS, TS. VÕ TIẾN TRUNG Ủy viên BCHTƯ Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam)
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã tác động sâu sắc đến nghệ thuật quân sự, làm xuất hiện các loại hình chiến tranh mới; trong đó, có chiến tranh mạng.
Khái niệm chiến tranh mạng xuất hiện từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhưng đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất. Một số ý kiến cho rằng, tuy đã xảy ra những cuộc tiến công mạng nhưng ở mức độ thấp, chưa phải là chiến tranh. Bởi nó không trực tiếp gây ra tổn thất về sinh mạng, vật chất cụ thể cho bất cứ bên nào. Tuy nhiên, đa số lại có quan điểm rằng, khi các cuộc tấn công tập trung, dồn dập vào cơ quan chính phủ, gây tổn thất lớn về vật chất, chính trị - tinh thần, quản trị và điều hành thì có thể gọi đó là chiến tranh - kiểu dạng chiến tranh mới, chiến tranh trong tương lai.
Nghiên cứu một số cuộc chiến tranh gần đây (từ chiến tranh I-rắc, năm 2003 đến nay) trên thế giới, số đông học giả quân sự, các nhà chiến lược quân sự đều thống nhất rằng: "tác chiến mạng trung tâm" hay "tác chiến mạng" chính thức được xem là loại hình tác chiến hiện đại. Trên thực tế, các nước phát triển đã và đang chú trọng tới tác chiến mạng, coi đó là học thuyết tác chiến mới trong kỷ nguyên thông tin và là một trong những mục tiêu trọng tâm chiến lược làm chuyển đổi tư duy quân sự và tổ chức trang bị quân đội trong thế kỷ XXI. Đặc biệt, các nước lớn, có ưu thế vượt trội về công nghệ, kỹ thuật đã lợi dụng các phương tiện truyền thông, nhất là in-tơ-nét để tiến hành chống phá toàn diện, nhất là làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống, tạo sự nghi kỵ, bất mãn trong nội bộ của các quốc gia "không cùng quỹ đạo" để tranh thủ tập hợp lực lượng đối lập dễ bề can thiệp.
Hiện nay, mạng đang được sử dụng ráo riết như một thứ vũ khí lợi hại trong các cuộc xung đột quân sự, mà điển hình là việc Mỹ và NATO can thiệp vào Li-bi, năm 2011. Tại đây, họ đã xâm nhập vào mạng viễn thông và các chương trình truyền hình của Li-bi, để phát đi các nội dung được xuyên tạc tới dân chúng sở tại. Điều đó, tác động mạnh mẽ và nhanh chóng làm rối loạn tinh thần xã hội, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối đông đảo, nhất là lớp trẻ xuống đường chống lại chính phủ. Trong thời gian diễn ra sự kiện Crưm của U-crai-na sát nhập vào Nga, hai thế lực thân phương Tây và thân Nga đều sử dụng công nghệ thông tin tấn công các phương tiện truyền thông của nhau. Ngày 04-3-2014, công ty Viễn thông Úc-tê-lê-com của U-crai-na bị đánh cắp thông tin. Ngày 06-3-2014, các trang thông tin điện tử: Li-fe-niu, Ngân hàng trung ương Nga, báo Rô-si-ít-kai-a Ga-de-ta, thậm chí, cả trang thông tin của Tổng thống Pu-tin đều bị tấn công. Ngày 15-3-2014, các "Chiến binh Công nghệ" đã xâm nhập, tấn công trang thông tin điện tử của NATO. Gần đây, Mỹ và phương Tây tập trung sử dụng tác chiến mạng để can thiệp vào Vê-nê-xu-ê-la, tăng cường hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập tổ chức biểu tình, bạo loạn lật đổ Chính phủ của Tổng thống N. Ma-đu-rô.
Ở Việt Nam, để thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình", các thế lực thù địch trong và ngoài nước liên kết với nhau đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta dưới nhiều hình thức; trong đó, có việc sử dụng in-tơ-nét. Tác chiến mạng đã và đang trở thành một trong những biện pháp chủ yếu, được các thế lực thù địch sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, chúng tung tin thất thiệt, nói xấu lãnh tụ; kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ giữa Đảng với nhân dân,... làm cho một bộ phận quần chúng, nhất là lớp trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số hoang mang, dao động; tạo sự hoài nghi, bất mãn với chế độ và khiến cho bạn bè quốc tế hiểu sai sự thật. Về kinh tế, chúng tung tin gây rối loạn thị trường, dẫn đến đầu cơ, tích trữ, tạo ra khan hiếm hàng hoá. Về quốc phòng - an ninh, chúng tập hợp lực lượng chống đối, tuyên truyền tạo dựng thanh thế, uy tín cho những tên cầm đầu, tổ chức chống đối, phản động. Về kỹ thuật, chúng tìm cách thâm nhập vào các mạng nội bộ, nhất là các mạng có độ mật cao để ăn cắp thông tin, làm rối loạn hoặc đánh sập trang mạng, phá vỡ hệ thống chỉ huy, điều hành,... Vì thế, để phòng chống và hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả của chiến tranh mạng, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Quản lý chặt chẽ in-tơ-nét, nhất là các trang mạng xã hội. Phải khẳng định rằng, phát triển in-tơ-nét đã, đang và sẽ mang lại rất nhiều tiện ích cho đời sống con người, song mặt trái của nó cũng rất phức tạp, tác động sâu sắc đến đời sống, kinh tế, chính trị, tinh thần của cả cộng đồng. Nếu không quản lý chặt, chế tài xử lý không đủ mạnh, sẽ tạo ra những kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, thao túng và điều khiển cư dân mạng, nhất là lớp trẻ có trình độ để phục vụ cho mưu đồ đen tối của chúng. Thực tiễn đã chứng minh, sự xuất hiện một cộng đồng mạng bất ổn trong xã hội sẽ kìm hãm sự phát triển, đe dọa sự ổn định chính trị của đất nước.
Quản lý chặt chẽ in-tơ-nét, hạn chế các nội dung xấu, độc trên các trang mạng là vấn đề cấp bách hiện nay. Nhận rõ điều đó, ngày 15-7-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, việc quản lý blog và mạng xã hội là rất khó khăn, phức tạp. Để Nghị định 72 đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải có sự quản lý đồng bộ của các ngành, các cấp với giải pháp hợp lý vừa bảo đảm phát triển, vừa nắm quyền kiểm soát, quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả.
Thời gian tới, để các hoạt động này đi vào nền nếp, đúng pháp luật, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành quy chế hoạt động in-tơ-nét, với những tiêu chí cụ thể, phù hợp. Trước mắt, các cấp, các ngành và các địa phương cần thực hiện tốt Đề án "Nâng cao năng lực quản lý thông tin trên in-tơ-nét". Thực hiện tốt các nghị định, hướng dẫn quy định chi tiết đối với việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, thông tin điện tử, mạng xã hội trực tuyến, trò chơi điện tử; góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Cơ quan chức năng các cấp còn phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin, như: thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực in-tơ-nét và quản lý hạ tầng thông tin. Thực hiện quản lý theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với xu thế hội tụ công nghệ và dịch vụ Viễn thông - Công nghệ thông tin - Truyền thông. Công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước cần coi trọng tính hợp lý, trên cơ sở phân biệt rõ chức năng của từng tổ chức; thiết lập hệ thống quản lý mạnh, theo nguyên tắc "Năng lực quản lý đón đầu yêu cầu phát triển"; xây dựng chính sách, luật pháp bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân có chức năng thực thi pháp luật.
2. Tổ chức lực lượng đấu tranh phản bác trên mạng và trên các phương tiện truyền thông (báo, đài, truyền hình); tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên. Những năm qua, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch đã triệt để sử dụng các trang mạng dồn dập tung tin thất thiệt, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là thời điểm trước, trong và sau Đại hội XI của Đảng. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt: chỉ cần một số chứng cứ thật, trộn lẫn thông tin giả trở thành "vũ khí" kích động, nói xấu, tạo sự hiểu lầm, nghi ngờ, hoang mang, dao động trong đảng viên, cán bộ và nhân dân. Thậm chí, chúng sử dụng tin tặc xâm nhập, tấn công các trang web của cơ quan Chính phủ để đăng tải các nội dung không lành mạnh; sử dụng các trang mạng để vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền,... Vì vậy, tổ chức hợp lý lực lượng đấu tranh phản bác những hành động tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN là vấn đề bức thiết hiện nay.
Để thực hiện tốt vấn đề này, chúng ta cần tổ chức lực lượng đấu tranh mạng hùng hậu (gồm: các chính trị gia, học giả, nhà khoa học và các chuyên gia), có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận và kiến thức toàn diện trên các lĩnh vực. Đây cũng là lực lượng nòng cốt cho toàn dân chủ động đấu tranh phản bác, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của đất nước và đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, vạch trần bản chất, mục đích của các thế lực thù địch để nhân dân nhận thức đầy đủ, cảnh giác và tham gia phòng, chống chiến lược "Diễn biến hòa bình" có hiệu quả. Quá trình đấu tranh, phản bác phải lập luận khoa học, có lý, có tình, tính thuyết phục cao, tránh "đao to, búa lớn", một chiều, áp đặt. Đồng thời cần vận dụng linh hoạt nhiều hình thức đấu tranh, cả trực tiếp, gián tiếp; chủ động phá bỏ sự liên kết, móc nối của các phần tử, các thế lực chống phá. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, động viên lực lượng viết bài đấu tranh, phản bác các thế lực thù địch trên mạng và thông tin đại chúng khác.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tầng lớp nhân dân (trong đó, có cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên) nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Vận động họ không truy cập, khai thác, truyền bá thông tin xấu, độc, sai sự thật; xây dựng ý thức, đề cao cảnh giác, nắm chắc các thủ đoạn tấn công mạng của kẻ địch để bảo mật thông tin, chủ động bảo vệ mình.
3. Kiện toàn tổ chức lực lượng mạng gồm ba bộ phận: chính trị, kỹ thuật, tác chiến nhằm mục tiêu bảo vệ an toàn mạng và tiến công mạng khi cần thiết. Việc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trên thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ bị tấn công, xâm nhập và sự cố thông tin, an toàn mạng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, công nghệ thông tin đang là lĩnh vực được ứng dụng phổ biến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, cần phải chủ động tổ chức lực lượng tác chiến mạng chuyên trách đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền mạng quốc gia.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Quân đội có thể thành lập lực lượng tác chiến mạng (do Cục Công nghệ thông tin quản lý, hoặc thành lập binh chủng mạng, trực thuộc Bộ Quốc phòng) có nhiệm vụ: thiết lập hệ thống phòng thủ vững chắc trước sự xâm nhập, tấn công từ bất kỳ lực lượng nào ngay từ thời bình; đồng thời, chủ động tấn công, phản công đối phương, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các cuộc tấn công mạng, kể cả trong chiến tranh xâm lược. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Quân đội cần tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng và tác chiến mạng đủ về số lượng, có chất lượng cao, bảo đảm từng bước thiết kế, làm chủ, sản xuất các trang thiết bị đầu cuối, chuyên dụng công nghệ thông tin, hạn chế sự phụ thuộc tối thiểu vào nước ngoài. Đầu tư mua sắm các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đi trước đón đầu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược an ninh mạng quốc gia nói chung và Quân đội nói riêng với hệ thống giải pháp mang tính lâu dài, toàn diện, tăng cường khả năng phòng, chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống thông tin. Kịp thời ngăn chặn, khắc phục các sự cố an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng tác chiến mạng của Quân đội, Công an với các thành viên an ninh mạng của các trung tâm an ninh mạng dân sự. Sử dụng lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách, kiêm nhiệm, tạo sức mạnh tổng hợp tác chiến mạng.
Chiến tranh mạng là loại hình mới, sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều kiểu loại, không phân định ranh giới (địa lý hành chính, thời gian, quy mô), nhưng hậu quả để lại khó lường. Nó có thể là nguyên nhân khơi mào cho một cuộc chiến tranh bằng vũ lực. Vì thế, cần nêu cao tinh thần cảnh giác thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng, chống có hiệu quả chiến tranh mạng của các thế lực thù địch.
(Sưu tầm và tổng hợp từ Wiki, Zing, Tạp chí Quốc Phòng )
DVMS chuyên:
- Tư vấn, xây dựng, chuyển giao công nghệ Blockchain, mạng xã hội,...
- Tư vấn ứng dụng cho smartphone và máy tính bảng, tư vấn ứng dụng vận tải thông minh, thực tế ảo, game mobile,...
- Tư vấn các hệ thống theo mô hình kinh tế chia sẻ như Uber, Grab, ứng dụng giúp việc,...
- Xây dựng các giải pháp quản lý vận tải, quản lý xe công vụ, quản lý xe doanh nghiệp, phần mềm và ứng dụng logistics, kho vận, vé xe điện tử,...
- Tư vấn và xây dựng mạng xã hội, tư vấn giải pháp CNTT cho doanh nghiệp, startup,...
Vì sao chọn DVMS?
- DVMS nắm vững nhiều công nghệ phần mềm, mạng và viễn thông. Như Payment gateway, SMS gateway, GIS, VOIP, iOS, Android, Blackberry, Windows Phone, cloud computing,…
- DVMS có kinh nghiệm triển khai các hệ thống trên các nền tảng điện toán đám mây nổi tiếng như Google, Amazon, Microsoft,…
- DVMS có kinh nghiệm thực tế tư vấn, xây dựng, triển khai, chuyển giao, gia công các giải pháp phần mềm cho khách hàng Việt Nam, USA, Singapore, Germany, France, các tập đoàn của nước ngoài tại Việt Nam,…
Quý khách xem Hồ sơ năng lực của DVMS tại đây >>
Quý khách gửi yêu cầu tư vấn và báo giá tại đây >>