Tuy nhiên, khởi nghiệp thành công chưa bao giờ dễ, khởi nghiệp kinh doanh qua mạng xã hội bên cạnh những cơ hội thì tồn tại vô số thách thức mà không phải bạn trẻ nào cũng thành công.

Hướng khởi nghiệp phổ biến

Mạng xã hội đang khá thông dụng trong xã hội và lôi cuốn hàng chục triệu người ở Việt Nam tham gia; đặc biệt giới trẻ chiếm một tỉ lệ không nhỏ.

Mạng xã hội trở thành nơi kinh doanh lý tưởng của nhiều thanh niên - những người có đam mê khởi nghiệp song do nhiều hoàn cảnh khác nhau mà không thể thực hiện được bằng các hình thức kinh doanh truyền thống.

Đặc biệt, trong nền kinh tế hiện đại, kinh doanh qua mạng xã hội được giới trẻ lựa chọn bởi đây là kênh xúc tiến thương mại vừa ít tốn chi phí, đồng thời lại chứa đựng một lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ. Không những thế kinh doanh trên mạng xã hội không gò bó về mặt thời gian, giúp cho giới trẻ chủ động được hoạt động theo từng hoàn cảnh cụ thể.

Giới trẻ kinh doanh qua mạng xã hội có thể bắt đầu khá sớm là học sinh, sinh viên… tới nhân viên văn phòng. Đây là lứa tuổi được đánh giá khá phù hợp với kinh doanh trên mạng xã hội bởi họ có kinh nghiệm nhất định, đã có những mối quan hệ xã hội và có thể tương tác nhanh chóng qua mạng.

Đặc biệt, với giới trẻ việc khởi nghiệp kinh doanh qua mạng xã hội mang lại sự háo hức, hứng thú và nhiệt tình bởi họ luôn thích những thử thách mới.

Với những ưu điểm, hấp dẫn riêng mà khởi nghiệp qua mạng xã hội giúp giới trẻ có nhiều cơ hội tiến. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công bắt đầu từ mạng xã hội khi chọn được hướng đi đúng, phù hợp, phát huy được sở trường của bản thân…

Thách thức tiềm ẩn

Khởi nghiệp kinh doanh với mạng xã hội được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi tuy nhiên cũng tồn tại không ít thử thách, dẫn tới ảnh hưởng kinh tế, tốn kém thời gian công sức, tác động tinh thần khởi nghiệp.

Thực tế cho thấy, giới trẻ khi bước vào khởi nghiệp với mạng xã hội phần lớn tự phát, theo hình thức tự kinh doanh, quy mô nhỏ và chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ (bạn bè, người quen). Với nhiều bạn nữ kinh doanh các sản phẩm handmade, khi khách có đơn đặt hàng mới thực hiện chế biến sản phẩm.

Đơn hàng không cố định, có thể dồn dập nhiều đơn trong một ngày, nhưng cũng có khi cả tháng không có đơn hàng nào. Điều này khiến người kinh doanh bị động trong việc tổ chức sản xuất và cung ứng hàng hóa.

Trong mô hình kinh doanh online, người kinh doanh vừa đóng vai trò chủ vừa đóng vai trò nhân viên, kế toán, giao hàng… Với quy mô kinh doanh nhỏ, kinh doanh theo hình thức này có thể phù hợp song khi quy mô lớn hơn lại đòi hỏi phải có chiến lược kinh doanh bài bản, đa dạng hơn.

Mặt hàng kinh doanh khá đa dạng nhưng lại khó quản lý về chất lượng và nguồn gốc. Do kinh doanh nhỏ lẻ, tìm kiếm nguồn hàng phần nhiều là qua trung gian chứ chưa tiếp cận được tận gốc.

Nhiều sản phẩm không có nhãn mác, không rõ xuất xứ, bản thân người kinh doanh cũng khó thể kiểm soát được chất lượng hàng hóa mình đang bán. Nếu có vấn đề đối với chất lượng sản phẩm, người kinh doanh không chỉ mất uy tín, mà còn có thể gặp rắc rối liên quan đến pháp luật.

Mặt khác, khi nguồn cung cấp hạn chế, cũng như người kinh doanh không thực sự nắm rõ về nguồn gốc sản phẩm, dẫn tới rủi ro khi sản phẩm có vấn đề.

Các rủi ro khác mà người kinh doanh online có thể gặp phải là người mua không có thiện chí hoặc không thanh toán đúng hạn, người giao hàng có thể giao hàng không đúng địa chỉ, làm mất hàng hoặc giao không đúng hẹn… khiến mất khách, chịu tổn thất.

Khởi nghiệp kinh doanh với mạng xã hội cũng cho thấy một tình trạng chung phổ biến đó là người giao dịch chưa đặt niềm tin và rất thận trọng khi quyết định lựa chọn.

Đa số người tiêu dùng do mua qua mạng chỉ được mắt thấy, mà không được trực tiếp cảm nhận sản phẩm trên tay nên khó tin tưởng vào người bán và sản phẩm đặt mua dẫn tới tỉ lệ đặt mua thấp. Điều đó càng đòi hỏi người kinh doanh phải kì công thuyết phục, tạo niềm tin thật tốt với sản phẩm kinh doanh của mình.

Hạn chế kỹ năng kinh doanh online cũng là tình trạng chung của không ít bạn trẻ bởi bước vào kinh doanh mang tính tự phát, thiếu kĩ năng về thị trường, kinh doanh theo bản năng, bán những mặt hàng họ có chứ chưa chú ý đến nhu cầu của thị trường.

Chính vì vậy, giới trẻ khi tham gia kinh doanh qua mạng không thể không trang bị cho mình kiến thức và kĩ năng kinh doanh, đồng thời phải trang bị cả các kiến thức về pháp luật để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra do không hiểu biết.

Khởi nghiệp kinh doanh qua mạng xã hội nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Vấn đề giới trẻ cần quan tâm là tích cực chủ động trong việc học hỏi kinh nghiệm kinh doanh.

Cần tham gia vào các khóa học kinh doanh ngắn hoặc dài hạn, chủ động tìm hiểu các kiến thức sẵn có và phong phú trên mạng Internet. Tham gia vào các nhóm hội chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh không những giúp giới trẻ có thêm hiểu biết, kiến thức mà còn tạo dựng các mối quan hệ đối tác, quan hệ khách hàng tiềm năng.

Vấn đề giữ chữ tín trong kinh doanh cần được giới trẻ coi là yếu tố hàng đầu để thực hiện các giao dịch kinh doanh thành công. Mặt khác, việc thường xuyên cập nhật tình hình thị trường là không thể coi nhẹ bởi nhu cầu khách hàng luôn thay đổi. Đó cũng là căn cứ để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp...

Một trong những yếu tố để giới trẻ khởi nghiệp kinh doanh không thể xem nhẹ đó là sự ủng hộ của gia đình, người thân. Có sự ủng hộ này giới trẻ sẽ có cơ hội thuận lợi hơn để tạo dựng được nền tảng kinh doanh vững chắc, tự tin và an tâm với các công việc ngoài xã hội.